Ngọn Lửa Hy Vọng.

Trong vòng năm mươi năm qua, người dân bản địa Tây nguyên đã phải chứng kiến một sự thay đổi khủng khiếp: rừng – môi trường, hồn sống của người dân bản địa – đã bị phá hết; đất đai – nguồn nuôi sống duy nhất của đồng bào – đã bị lấn chiếm, đã bị cướp sạch.

Về đâu hỡi, Tây nguyên? Về đâu hỡi, những người bạn trẻ? Về đâu? Về đâu? Đi về đâu?…

Từ năm 1998, những người đầu tiên của Việt Tộc đã đến với Tây nguyên. Và cũng từ những ngày đầu tiên đó Việt tộc đã chọn một con đường rất táo bạo: Con đường học thức. Đây là một con đường rất đúng. Chỉ có học thức mới có thể giúp các dân tộc bản địa Tây nguyên phát triển, chỉ có học thức mới có thể giúp các dân tộc bản địa Tây nguyên bảo vệ được chính mình, khỏi bị cướp đất, khỏi bị tiêu diệt. Chỉ có học thức mới có thể giúp các dân tộc Tây nguyên hội nhập được vào thế giới.

Thế nhưng, đây cũng là con đường vô cùng khó khăn. Bởi vì từ ngàn xưa, trong suy nghĩ, trong văn hóa của các dân tộc bản địa Tây nguyên chưa hề có khái niệm học hành theo kiểu trường lớp. Cầm cây viết, mang cái cặp đến trường là một điều gì đó vô cùng lạ lẫm. Hơn nữa, con đường học thức là con đường rất dài, đòi hỏi nhiều đầu tư và mất rất nhiều công sức. Giúp một ký gạo hay cho một gói mì tôm thì dễ hơn nhiều. Cho xong là thấy kết quả ngay lập tức.  Nhưng đầu tư vào việc học thì có khi phải đợi đến 15, 16 năm. Có những ân nhân chưa kịp thấy thành quả của mình thì đã phải ra đi… Nhờ những nỗ lực không biết mệt mỏi của Viêt tộc trong suốt 12 năm qua, mà đến nay các dân tộc bản địa Tây nguyên đã thay đổi rất nhiều.

Từ “hram hrá” (học hành) không còn là một từ xa lạ nữa, nhưng đã trở thành một từ vựng quen thuộc, được sử dụng rất nhiều nơi người lớn, và nhất là nơi người trẻ. Những người trẻ đã biết coi trọng việc học và bắt đầu đã có sự kiên trì trong học tập. Nhiều gia đình đã coi việc học của con cái là điều quan trọng nhất. Sinh viên các dân tộc bản địa Tây nguyên ngày một nhiều hơn và chất lượng hơn.

Các em cũng đã sẵn sàng cho một sự cạnh tranh và hội nhập lớn. Cũng phải công bằng mà nói; những thành quả đó. Không phải chỉ nhờ Việt tộc mà thôi, mà còn nhờ nhiều cá nhân và nhiều tổ chức khác nhau, và cả chính sự vươn lên của các dân tộc bản địa Tây nguyên nữa. Nhưng công lao của Việt tộc thì không thể chối cãi. Bởi vì Việt tộc không chỉ có phát tiền mà còn là đồng hành. Người của Việt tộc đã đến từng buôn làng, đến từng ngôi nhà sàn, ăn ngủ tại đó để nói chuyện với người già, vui chơi với người trẻ nhằm thúc đẩy việc học của các em. Đặc biệt, Việt tộc đã tổ chức được mạng lưới cộng tác viên rộng khắp các vùng, các buôn làng, đến từng nhóm. Chính các cộng tác viên này là nhân tố tích cực giúp các em học và làm thay đổi nhận thức về việc học nơi bà con buôn làng.

Cám ơn Việt tộc đã thắp lên ngọn lửa tri thức, ngọn lửa hy vọng cho các dân tộc bản địa Tây nguyên. Bầu trời Tây nguyên còn u ám lắm, nhưng những tia nắng đầu tiên đã xuất hiện. Cõi lòng người bản địa Tây nguyên còn rối bời lắm, nhưng một tia sáng hy vọng đã được thắp lên. Người trẻ các dân tộc bản địa Tây nguyên đã có một ngọn lửa để hy vọng, đã có một con đường để bước đi, và một đích điểm để vươn tới…

Tạ ơn Thiên Chúa, cám ơn con người, cám ơn Việt tộc.
Bước vào năm học mới 2011.

Linh Mục Nguyễn Mạnh Niệm

Tin Sinh Hoạt

Chuyến Dã Ngoại Sinh Viên Pleiku tại Chư Sê

Chúng con được nghe những lời chia sẻ biết cách vượt qua sự tự ti của chính bản thân mình, và về lòng biết ơn, về tác phong nhanh nhẹn, sự đoàn kết, sự chủ động và tự giác , hòa đồng , tự tin , ....

Hoạt Động Hỗ Trợ

Nhà Máy Nước Giáo Họ Prteng

Ngày khởi công 20/02/2023, sau hơn một tháng thi công, công trình đã hoàn thành và chính thức đưa vào sử dụng từ ngày 30/03/2023.