Cha Sắp Về lại Tây Nguyên Chưa?
Lá Thư Hội Trưởng
“Cha sắp về lại Tây Nguyên chưa?” Câu hỏi của nhiều người quan tâm đến sứ vụ Việt Tộc trong hoàn cảnh đại dịch. Câu hỏi cũng làm cho tôi nao nao nhớ một vùng quê Tây Nguyên. Nơi ấy tôi có hàng ngàn những đứa em, những người bạn tay chân không lành lặn, những người mất khả năng đối diện cuộc sống và những người bạn đồng hành với tôi. Các em thì trông chờ những tin vui rằng “Cha có kiếm đủ tiền cho anh em con đến trường như mọi năm không?”
Trong suốt 23 năm qua, tôi và một số anh chị em đã về với buôn làng để chia sẻ nỗi vui buồn với đồng bào, và từ đó lắng nghe để biết về những nhu cầu chính đáng, để cân nhắc khả năng có thể hỗ trợ hay không cho những chương trình và dự án cần thiết của đồng bào Sắc Tộc đang vật lộn với cuộc sống. Trong 23 năm qua, biết bao Nhịp Cầu Yêu Thương đã thành hình, và trong suốt thời gian đó, sự cộng tác chân tình của các thành viên Việt Tộc, tại những vùng trời hải ngoại, đã giúp nối kết con tim của các ân nhân để yêu thương kết trái nơi những chia sẻ đại độ.
Trở về từ Tây Nguyên vào cuối tháng Giêng 2020 cho đến nay đã hơn một năm! Lòng tôi vẫn phập phồng theo dõi những diễn biến nơi các thôn làng, các vùng mà Việt Tộc đang phục vụ. Đại dịch đẩy buôn làng vùng xa vào tình trạng thiếu ăn. Thêm thiên tai tước đoạt tất cả điều kiện căn bản để nuôi sống người dân. Các em vẫn đến trường, nhưng thách đố thật nhiều vì phương tiện theo học on-line giới hạn, và vì kinh tế ngặt nghèo khiến cha mẹ các em không có việc làm. Rất buồn cho tình cảnh đồng bào và thương cho số phận nghiệt ngã.
Thật tuyệt vời khi gia đình Việt Tộc hải ngoại đã thật sự chân thành đóng góp hết khả năng có thể để mong xoa dịu bớt phần nào mất mát của đồng bào. Bao yêu thương thể hiện qua những Walk-A-Thon, những mời gọi qua thư và điện thoại, những bữa cơm nho nhỏ phù hợp với tinh thần cách ly xã hội, và ngay cả những đóng góp hy sinh Mùa Chay, và sự cộng tác của các cơ quan truyền thông, … đã tạo điều kiện để ân nhân các nơi xa gần tiếp tay hỗ trợ.
Những món quà của ân nhân vận động công ty, quà chân tình của các bác lớn tuổi sống nhờ trợ cấp, quà chắt chiu của những người mẹ tất bật làm việc trong hãng xưởng, quà hy sinh của các trẻ thơ chia sẻ niềm vui sinh nhật; và nhiều lắm những yêu thương góp lại tỏa sáng như ánh mặt trời soi vào bóng tối của bất hạnh. Những yêu thương đó trở thành phương tiện để các chương trình của Việt Tộc được tiến hành hữu hiệu. Học bổng vẫn được cung cấp cho gần 2500 người trẻ đến trường, từ mẫu giáo đến đại học. Một số các em ra trường năm nay với bao niềm vui và lòng biết ơn. Các dự án y tế và phát triển vẫn được thực hiện, để chữa bệnh và cung cấp nước sạch.
Không thể nào không nhắc tới những tấm lòng yêu thương và dấn thân miệt mài của hơn 180 cộng tác viên tại Việt Nam, gồm các linh mục, nữ tu và đại diện của các buôn làng; để nhờ đó, vòng tay của đại gia đình Việt Tộc giang đủ rộng để chạm vào cuộc đời của nhiều anh chị em sống trong các buôn làng nghèo và thiếu thốn.
“Khi nào cha về lại Tây Nguyên?” Chúng ta sẽ cùng về khi điều kiện cho phép, để hội ngộ, để lắng nghe chia sẻ, để nghiên cứu môi trường và xét nhu cầu để giúp đồng bào vượt khó, và nhất là để hiện diện bên nhau trong vòng nối kết yêu thương. Nhiều anh em đã nói với tôi như thế!
Tôi tin rằng chúng ta không để không gian ngăn cách tấm lòng yêu thương và sự cảm thông và trách nhiệm của người tín hữu. Tôi tin tình thương sẽ vượt thắng tất mọi trở ngại để trong cầu nguyện và hy sinh, trong đón nhận và quyết tâm, con đường phục vụ của đại gia đình Việt Tộc sẽ vẫn mãi là Nhịp Cầu Yêu Thương và chúng ta tiếp tục xây dựng từng ngày. Xin tạ ơn vì chúng ta có nhau cùng đồng hành. Xin tạ ơn vì được gặp chính Chúa trong anh chị em Sắc Tộc nghèo khó của chúng ta.
Linh mục Trần Công Vang