Phong Tục Đặt Tên và Nghi Lễ Thổi Tai
—– Thuỳ Hương —–
Đặt tên cho con ngay sau khi sinh để tránh bị ma quỷ, thần linh tranh giành đặt trước; làm lễ thổi tai để truyền dạy những điều tốt đẹp cho một đứa trẻ là nét độc đáo trong phong tục của đồng bào DTTS…
Thú vị cách đặt tên cho con
Theo quan niệm của đồng bào Dân Tộc Thiểu Số, mỗi đứa trẻ ngay sau khi được sinh ra, gia đình phải nhanh chóng đặt tên cho bé để tránh bị ma quỷ, hay nói đúng hơn là tử thần đặt tên trước và như thế đứa trẻ sẽ kém may mắn hoặc sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Ông A Jar (làng Plei Đôn, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) cho biết: Ngày xưa, phụ nữ Ba Na nói riêng và đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh nói chung đều sinh con ở nhà và người giúp đỡ các bà mẹ qua các lần “vượt cạn” là các bà mụ vườn. Không ai được chọn tên cho đứa bé khi còn ở trong bụng mẹ, nhưng ngay khi đứa trẻ vừa chào đời thì việc đặt tên phải được tiến hành nhanh chóng và khẩn trương. Bởi theo quan niệm, nếu để lâu, ma quỷ, thần linh biết được sự có mặt của đứa bé trên đời sẽ giành đặt tên trước và như vậy đứa trẻ sẽ bị nguy hiểm đến tính mạng, rất dễ bị tử thần bắt đi. Chính vì thế, nếu bố mẹ và gia đình chưa kịp nghĩ ra cái tên nào cho đứa bé, thì bà mụ sẽ đặt tạm cho nó một cái tên để người nhà gọi trước khi ma quỷ biết, sau đó nếu không ưng bụng thì có thể đổi tên khác.
Mỗi người có thể có 1 hoặc 2 tên và người đồng bào DTTS thường phân biệt giới tính bằng những chữ cái ở đầu như U, Y, A… Những cái tên thường không có nghĩa, chỉ là để gọi nhau. Riêng những cặp vợ chồng, việc có con gặp nhiều trắc trở, khó khăn như hay bị sinh non, hay bị tử thần bắt mất khi còn trong bụng mẹ…, họ sẽ mượn những cái tên gọi vật nuôi hoặc tên động vật đặt cho con với quan niệm tên xấu quỷ thần sẽ mủi lòng thương xót mà không bắt đi những đứa con của họ, như kiểu: Nhung (tức là heo), Kõ (Chó), Lẽr (gà)…
Đồng bào DTTS khi đặt tên cho con thường không muốn đặt trùng tên với ai đó, đặc biệt là trong dòng họ hay trong cùng một làng thì đây là điều cấm kỵ. Trong trường hợp hai người cùng tên với nhau, thường là nam giới, nếu có tuổi tác tương đương nhau sẽ kết nghĩa làm anh em và gọi nhau là “pổ băn”; còn trong trường hợp hai người cách xa nhau về tuổi tác thường kết nghĩa làm cha con và gọi là “bă kon”.
Người lớn chỉ nhận người nhỏ làm con kết nghĩa sau khi người con tổ chức một bữa tiệc rượu, thịt một con heo lớn để mời anh em, bà con trong làng đến chứng kiến và chia vui với hai người.
Để đáp lại tình cảm của người con, sau này, khi người cha chia tài sản sẽ cho người con kết nghĩa một phần tài sản của mình như một con trâu, bò, hay một miếng đất rẫy…
Độc đáo lễ thổi tai
Lễ thổi tai hay nói đúng hơn là uống rượu thổi tai, tiếng Ba Na gọi là Et Hlôm đon, là một nghi thức quan trọng trong cuộc đời con người khi mới sinh ra để cầu mong và truyền dạy cho đứa bé những điều tốt đẹp.
Đây là bước đánh dấu một giai đoạn chuyển tiếp quan trọng để qua đó thần linh, gia đình và cộng đồng đón nhận một thành viên mới, một con người mới đến với thôn làng. Đồng thời đây cũng là dịp để gia đình mời họ hàng đến chia vui và để trả ơn bà mụ đã giúp đỡ người mẹ sinh nở.
Theo ông A Jar, sau khi đặt tên và trước khi làm lễ thổi tai, còn có một nghi thức nữa là cho ăn cơm (Sẽm Por), thường được thực hiện sau một vài ngày đứa bé ra đời.
Lẽ dĩ nhiên, đứa trẻ thì chưa thể ăn cơm được, nhưng bà mụ sẽ làm phép bằng việc lấy một ít rượu ghè, cơm và một chút gan của con gà quệt vào miệng trẻ với mong muốn đứa bé lớn lên sẽ hay ăn, chóng lớn và khoẻ mạnh.
Nghi thức thổi tai chỉ được thực hiện khi đứa trẻ phải được ít nhất một tháng tuổi và muộn nhất là lúc 3 tháng tuổi, tuỳ thuộc vào mỗi gia đình, có điều kiện lúc nào sẽ tổ chức lúc đó và cũng là chờ người mẹ khoẻ mạnh có thể ăn uống, đi lại bình thường được và đứa bé cũng đủ cứng cáp để làm lễ.
Trước ngày làm lễ thổi tai, gia chủ chuẩn bị một một con heo lớn, những nhà điều kiện kinh tế khá giả muốn thể hiện sự giàu có thì mổ bò, trâu rồi mời bà con, anh em trong họ hàng, xóm làng và đặc biệt là bà mụ cùng với gia đình bà mụ đến để làm lễ. Lễ thổi tai thường được tổ chức vào buổi chiều, nhưng ngay từ buổi sáng, bà mụ và người thân trong gia đình bà đã được mời đến ăn cơm trưa.
Trong nghi lễ thổi tai, lễ vật bắt buộc phải có 3 ghè rượu, 3 con gà; trong đó có 1 ghè rượu và 1 con gà phần riêng cho bà mụ, 1 ghè rượu và 1 con gà để dành cho chồng con bà mụ, 1 ghè rượu và 1 con gà chặt sẵn cùng với một ít thịt heo được thái ra đặt trong lá đầu.
Sau bữa trưa, bà mụ bắt đầu tiến hành làm lễ, bố mẹ và đứa bé ngồi quây quần bên ghè rượu. Bà mụ dùng một cái ống dài khoảng 30 – 40cm, rỗng hai đầu hoặc nếu gia đình nào không chuẩn bị được ống, bà mụ có thể úp hai tay lại tạo thành ống rồi thổi nhẹ vào tai đứa bé những lời cầu chúc, mong mỏi tốt đẹp nhất sẽ đến với nó.
Bà Y Trang (làng Kon Klor, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) kể rằng: Khi thổi vào tai đứa bé, bà mụ cầu xin Yàng và các thần linh hãy cho đứa bé có sức khoẻ, có cái đầu thông minh, sáng suốt; có cái tay, cái chân chăm chỉ lao động. Nếu là con trai thì “cái tay trong nhà, cái chân trong rừng”, tức là khi ở nhà thì phải biết đan lát, chế tạo những vật dụng lao động sản xuất cho gia đình; còn khi đi rừng thì biết cầm cái nỏ săn bắn, khi đi rẫy phải biết cầm cái rìu, cái cuốc để trồng hái; phải biết cầm cái giáo để bảo vệ làng, phải làm được nhiều việc lớn và được mọi người kính nể. Nếu là con gái, bà mụ sẽ cầu xin cho nó lớn lên được xinh đẹp, biết quay sợi, dệt vải, giã gạo, giữ cho cái bếp luôn đỏ lửa, biết giọt nước đầu làng để mỗi sáng thức dậy lấy nước về nấu cơm rồi giặt quần áo cho cả nhà…
Sau khi xin Yàng, bà mụ sẽ lấy một chút rượu quệt lên miệng đứa bé, nhai một ít gan gà, gan heo cho đứa bé ăn rồi trao đứa bé lại cho người mẹ. Đó cũng là lúc nghi lễ kết thúc và mọi người bắt đầu chuyển sang ăn uống tới khi nào say mới thôi, bà mụ luôn là người được kính trọng mời ăn trước nhất.
Đến uống rượu mừng thổi tai, mỗi người đều mang theo những món quà nhỏ, ai có gì mang nấy, cốt là ở tấm lòng để mừng cho gia đình có thêm thành viên mới, chứ không ai tính toán thiệt hơn.
Khách mời đến uống rượu luôn phải mời người mẹ trước, rồi mới đến người cha, tiếp sau đó là anh em trong nhà theo thứ tự từ lớn đến nhỏ. Sau khi ăn uống, hát hò thoải mái, các khách mời khi về còn được gia chủ gói thêm cho một miếng thịt heo sống làm quà. Riêng bà mụ hôm đó được tặng hẳn 1 cái đùi heo, đây chính là phần trả công cho bà mụ đã giúp đỡ người mẹ và đứa bé từ lúc sinh ra đến lúc làm lễ thổi tai.
Đời sống kinh tế – xã hội ngày càng phát triển, đồng bào DTTS cũng ít ai còn sinh con ở nhà như trước đây, mà hầu hết đều đã đến các cơ sở y tế để sinh. Quan niệm về việc đặt tên cho con cũng đã có những nét mới, nhiều gia đình đã có dự kiến đặt tên trước khi sinh; nhưng nghi thức thổi tai để cầu mong và cũng là để truyền dạy, nhắc nhở đứa trẻ những điều tốt đẹp vẫn được duy trì, gìn giữ…
Thuỳ Hương
Nguồn sưu tầm: http://www.baokontum.com.vn/dat-nguoi-kon-tum/doc-dao-phong-tuc-dat-ten-va-nghi-le-thoi-tai-365.html