Vũ Điệu Xoang Của Người Ba Na

—– VĨNH KHANG —–

Trong kho tàng sử thi Tây Nguyên, vũ điệu Xoang của người Ba Na đang được bảo tồn và lưu giữ, đáp ứng tốt việc khai thác và phát triển kinh tế, du lịch trên nền tảng văn hóa truyền thống.

Chiều Tây Nguyên không nắng, không gió, chỉ có những cơn mưa giông ầm ầm đổ xuống bên mái nhà Rông truyền thống của người Ba Na. Những cơn mưa không dứt nhưng cũng không ngăn được ngọn lửa bập bàng cháy mãi bên điệu Xoang huyền thoại. Theo già làng A Mit, Xoang là cách gọi những hình thức múa phổ cập, tập thể có từ lâu đời của người Ba Na. Vũ điệu Xoang mang tính cộng đồng, ai cũng có thể tham gia trong những dịp lễ hội. Những người có mặt trong đội hình Xoang thường chuyển động theo những đường cong uốn lượn, di chuyển bằng những bước đi ngắn, nhịp nhàng trong đội hình đồng điệu, phối hợp giữa co và duỗi chân, tay, nhún nhẩy đung đưa thân mình. Phong thái chung của Xoang là êm dịu, nhẹ nhàng, mức độ nồng nhiệt vừa phải.

Trong múa Xoang truyền thống của người Ba Na không thể thiếu những chiếc trống Chơ gút. Mặt trống được làm bằng da dê hoặc da bò. Trống không đánh bằng dùi, mà vỗ bằng tay, do một người mang trống trước ngực dẫn đầu (chỉ huy) dàn cồng chiêng, âm thanh của nó rộn rã, đầm ấm. Đánh trống Chơ gút là cả một nghệ thuật vì trống chỉ huy cả đội hình cồng chiêng, các cô gái nhẹ nhàng múa Xoang theo tiếng gọi rộn rã của trống và những bước di chuyển nhịp nhàng cùng nụ cười giao cảm.

Trong tiếng cồng chiêng sống động, những điệu múa Xoang nhịp nhàng, uyển chuyển của các chàng trai, cô gái đã cuốn hút mọi người cùng vào vòng Xoang. Đội hình múa Xoang của người Ba Na thường đi theo vòng tròn ngược chiều kim đồng hồ, quay tròn theo cây nêu ngoài sân hoặc khu vực trước nhà Rông. Đội hình Xoang tiến hành trong khi đang thực hiện những nghi lễ của lễ hội thì gọi là Xoang nghi thức – những vũ điệu có nội dung nhất định đối với từng loại lễ hội. Và bên cạnh đội hình Xoang nghi thức là Xoang tự do, với sự tham gia tùy hứng của các thành viên khác trong cộng đồng.

Theo già làng A Mít, về cơ bản, Xoang tự do cũng giống Xoang nghi thức ở nhịp điệu, động thái, chỉ khác ở chỗ người tham dự có thể tự do bộc lộ tình cảm của mình trong vũ điệu bằng kỹ thuật cá nhân, tùy hứng, không phụ thuộc nhiều vào đội hình múa nói chung. Xoang tự do thường bắt đầu ở cao trào của lễ hội, khi mà những nghi thức (thường là cúng tế, tạ ơn thần linh) đã thực hiện xong, khi mà men rượu cần cùng với tiếng cồng chiêng ngấm vào trong cái bụng và cái đầu của tất cả mọi người trong cộng đồng tham gia lễ hội. Lúc này, người múa nam thực hiện những động tác vận động khỏe, tạo hình độc đáo, thi thoảng có sự thay đổi đột ngột về tốc độ và cường độ. Tuy thế, người múa nữ vẫn thực hiện những động tác mượt mà, trau chuốt đến từng chi tiết, trang điểm bằng những tuyến lượn mềm mại.

Đối với người Ba Na, tùy theo những lễ hội có tính chất khác nhau, vũ điệu Xoang có những biến đổi về đội hình, nhịp điệu, tiết tấu… cho phù hợp. Xoang Samơk là vũ điệu trong lễ Samơk (lễ ăn lúa mới) vào dịp những vạt lúa trên nương bắt đầu chín tới, lễ Samơk với những điệu Xoang Samơk sôi nổi, đầy hứng khởi làm rộn rã buôn làng suốt 3 ngày liền. Khi kết thúc lễ Samơk, người ta tiến hành điệu Xoang vòng tròn kéo dài thâu đêm suốt sáng ngay trong nhà Rông hoặc dưới sân trước cửa nhà Rông để tất cả thành viên cùng tham gia Xoang. Khi tiến hành lễ Bơ-thi (lễ bỏ mả), vũ điệu Xoang A tâu chậm rãi, u buồn. Khi tiến hành lễ đâm trâu, Xoang Khiêl và Long Đeh là vũ điệu dành cho các chiến binh thể hiện sức mạnh cộng đồng. Vũ điệu Xoang Tơnơl hay Tap Sơgơr (điệu vỗ trống) lại chỉ thực hiện khi nào cộng đồng Pơlêi làm lễ cúng sân mới trên mảnh đất cư trú mới…

Kon Tum là vùng đất đậm đặc về văn hóa dân gian truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể rất phong phú, độc đáo mang bản sắc đặc thù, thể hiện ở các loại hình văn hóa, trong đó có vũ điệu Xoang của người Ba Na đang được duy trì và bảo lưu hiệu quả, đáp ứng tốt việc khai thác, phát triển kinh tế, du lịch trên nền tảng văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

VĨNH KHANG

Trích nguồn: http://www.baodanang.vn/channel/5417/201210/vu-dieu-xoang-cua-nguoi-ba-na-2198441/

Cảm Nghĩ Về Văn Hoá Cồng Chiêng

Văn Hóa Tây Nguyên rất gần với thiên nhiên, từ quan niệm nhân sinh quan đến vũ trụ quan; ở đâu cũng có thần: thần sông, thần suối, thần núi, thần rừng, thần mưa, thần nắng; thần này người Tây Nguyên gọi là “yang”
  • Giai Điệuu
  • Others
  • etc