Những Bộ Cồng Chiêng và Văn Hóa Tây Nguyên

Dân tộc nào ở Tây Nguyên cũng có những dàn chiêng đồng. Chiêng có thể coi như tiếng nói tâm linh của con người, nó gắn bó với đời sống cộng đồng từ lúc mẹ cha làm lễ “thổi tai” cho đứa con yêu dấu mời ra đời, cho đến lúc đi về “bến nước làng Trời”.

Mỗi dân tộc một âm điệu, mỗi dân tộc một cách diễn tấu khác nhau. Các bộ chiêng của ngời Tây Nguyên có tự bao giờ? Xuất xứ ở đâu? Chưa ai biết. Nhưng tiếng chiêng ngân nga trong mọi lễ hội, bao giờ cũng thể hiện tâm hồn và tính cách của các tộc người Tây Nguyên.

Tuy vậy, không phải ngẫu nhiên mà người ta mời dàn chiêng Êđê làm đại diện cho “họ hàng nhà chiêng” các dân tộc Tây Nguyên tham dự Liên hoan âm nhạc Châu Á – Thái Bình Dương. Rồi lại lựa chọn 4 bài bản và một điệu hát ei rei Êđê đưa vào kho tàng tinh hoa âm nhạc khu vực. Chiêng Êđê có gì khác dàn chiêng của các dân tộc ở Tây Nguyên chăng?

Cồng chiêng người Êđê Tây Nguyên.

Chiêng Êđê một bộ có 10 chiếc. Ba chiếc có núm gọi là Ching, giữ trách nhiệm là bè đệm cho hòa tấu. Bảy chiếc không có núm gọi là knă, đảm nhận phần giai điệu chính (trừ chiêng Char). Thường người ta sử dụng có 9 chiếc, còn ching Moong chỉ dùng khi có đám tang. Những chiếc knă đối đáp với nhau, đuổi theo nhau trên bè trầm ngân nga của Char, của ana ching và nền trì tục của Mdu. Tiết tấu chiêng Êđê rất nhanh, dồn dập, sôi nổi như thác reo như gió thổi. Đòi hỏi trình độ diễn tấu của nghệ nhân phải rất điêu luyện mới có thể cùng hòa tấu được. Âm thanh dàn chiêng knă Êđê vang xa và mạnh mẽ, bởi sự va đập của cả bồi âm từ 9 chiếc chiêng cùng một lúc tấu lên. Cũng còn bởi dùi làm bằng chất liệu gỗ cứng, hoặc tre đực, gõ thẳng vào mặt phẳng của những chiêng bằng. Trường ca Đam San đã chẳng từng kể về tiếng chiêng Êđê: “Vút bay qua xà nhà vang lên tới 9 tầng mây xanh. Lọt qua sàn lan đến bảy tầng vực sâu đất đen…” đó sao?

Một dàn chiêng khác cũng không kém phần độc đáo là chiêng Aráp của người Gia rai. Chiêng Aráp một bộ có từ 7-l0 chiếc: ba chiêng núm giữ trách nhiệm phần đệm, còn lại là chiêng bằng. Đi đôi với chiêng Aráp bao giờ cũng có điệu múa Xoang. Người ta thường tăng số lượng những chiếc chiêng núm lên để làm cho phần đệm thêm đầy đặn, do đó có khi bộ chiêng núm đôi khi còn có bọc. Tiết tấu chiêng Aráp cũng rộn ràng, nhưng ngân nga hơn, mời gọi tay nắm lấy tay, chân bước vào vòng xoang.

Khó có thể chỉ nói đôi lời về kho tàng ca hát của các tộc người Tây Nguyên. Bởi dù là giai điệu rộn ràng hay dịu êm, khỏe khoắn hay trữ tình, tự sự hay hoan ca… mỗi bài là một sự sáng tạo ngẫu hứng đầy đam mê. Nó phong phú về thể loại, sâu sắc về nội dung, dí dỏm, thông minh, đôi khi cả thâm thúy trong ý tứ.

Trích từ: http://kontumquetoi.com/2013/06/24/nhac-cu-cua-cac-dan-toc-tay-nguyen/

Lễ Hội, Giai Điệu Dân Tộc

Lễ Cúng Thần Lúa – Ngă Yang Hri

Khi cây lúa tới thời con gái, hay lúc cây lúa nặng hạt hay bắt đầu chín, người Jrai “ngă Yang Hri” (Yang Hri là Thần Lúa – cúng Thần Lúa). Tại thửa ruộng, chỗ cúng Yang Hri, người ta đặt một ghè rượu ở phía Đông (gah ngó) cũng gọi là phía trên.